Những cơn sốt đầu tư ở ba đặc khu tương lai



Ngày lên đặc khu vẫn còn xa nhưng cả Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong đã trải qua những cơn sốt đất mà giới địa ốc gọi là "ảo" còn chính quyền địa phương phải thừa nhận là "không kiểm soát nổi".

Tại Vân Đồn (Quảng Ninh), cơn sốt bắt đầu khoảng tháng 3/2017 sau khi một số nhà đầu tư tại Hà Nội, TP HCM đổ bộ và lập các sàn giao dịch ở đây. Trong vài tháng, bất động sản sản Vân Đồn không chỉ tăng chóng mặt về giá bán mà còn cả về lượng giao dịch.

Những nơi giá biến động mạnh nhất như khu vực sân bay quốc tế Vân Đồn, hiện dao động khoảng 35-40 triệu đồng mỗi m2, cá biệt một số nơi 60 triệu đồng. Khu vực Ao Tiên, giá cũng tăng 2-3 lần, lên 20-30 triệu đồng… Theo Hội Môi giới bất động sản, con số này tăng khoảng 5-6 lần so với năm 2016-2017. Tình trạng tăng nóng thậm chí diễn ra cả ở những khu vực khu vực đất chưa có sổ, không rõ pháp lý, hoặc đất nông lâm nghiệp chưa chuyển đổi...

Từ cò đất, nhà đầu tư cho đến người dân Vân Đồn đều bị hút vào vòng xoáy của bão giá. Có thể kiếm hàng tỷ đồng sau khi giới thiệu thành công một giao dịch, do đó, chỉ trong 6 tháng giữa năm 2017, số liệu thống kê cho thấy, khoảng 100 người đến tạm trú tại Vân Đồn để hành nghề môi giới đất.

Thống kê của đại diện chính quyền huyện Vân Đồn cũng cho thấy, trong 10 tháng năm 2017, gần 1.100 trường hợp làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Một số tháng lượng giao dịch có thể lên tới 200-350, tập trung tại thị trấn Cái Rồng, xã Hạ Long, Đông Xá. 

Giao dịch đất đai tăng cao khiến cuối năm 2017, UBND huyện Vân Đồn phải trình đơn xin UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép tạm dừng giải quyết chuyển nhượng đất để rà soát lại công tác quản lý đất đai. 

Tuy nhiên, cơn sốt đất vẫn kéo dài tới đầu năm nay. Số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, chỉ trong ba tháng đầu năm 2018 đã có 800 giao dịch đất nền, thổ cư tại các vị trí trung tâm, trong đó chủ yếu là từ các dự án có pháp lý và quy hoạch rõ ràng. Mức giá dao động từ 20 đến 50 triệu đồng mỗi m2. 

"Cơn sốt" chạy tới Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) – nơi cách thành phố Nha Trang khoảng 50 km thuộc Vạn Ninh (Khánh Hòa) sau Vân Đồn. Nhưng nơi đây cũng được đánh giá là sốt ảo bởi hệ thống cơ sở hạ tầng nhiều khu vực còn rất hoang sơ, người dân chủ yếu làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.

Theo đề án, nơi đây sẽ phát huy các điều kiện thuận lợi về hàng hải trong khu vực và thế giới để phát triển cảng biển, quốc phòng. Giá đất ở Vân Phong bị đẩy cao gấp 2-3 lần so với trước Tết Nguyên đán.

Tại thị trấn Vạn Giã, một số vị trí chạm ngưỡng 60-70 triệu đồng mỗi m2. Ở nhiều xã thuộc huyện Vạn Ninh như Vạn Thắng, Vạn Thọ, Vạn Khánh…, vốn cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn nhưng giá đất trong những tháng đầu năm 2018 cũng từ một vài triệu lên từ 13 triệu đồng mỗi m2 - mức tăng mà theo nhiều người dân gấp khoảng chục lần so với trước đó. 

Ngay cả nhiều khu đất khai hoang nằm sát biển cũng được đem ra mua bán, có hiện tượng sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm, thậm chí phá rừng…

Đại diện chính quyền địa phương cho biết, trong quý đầu của năm 2018, số giao dịch chuyển nhượng mà huyện tiếp nhận và giải quyết là gần 2.300 hồ sơ, gần gấp đôi so với cả năm 2016 và bằng 65% tổng hồ sơ cả năm 2017, trong đó chủ yếu tại 4 xã Vạn Hưng, Vạn Thắng, Vạn Thọ và Vạn Khánh.

Tuy đã đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp lớn từ nhiều năm trước, nửa năm trở lại đây Phú Quốc (Kiên Giang) lại đón thêm cơn sốt mới sau thông tin có thể trở thành đặc khu. Giá đất ở đây thậm chí còn được ví là "nhảy theo giờ".

Vài năm trước, một hộ dân mua 1.000 m2 đất ở đường tránh thị trấn Dương Đông với giá chưa tới một tỷ đồng, nay có người trả giá gấp 18 lần mà vẫn chưa muốn bán. Không chỉ người có đất, ngay cả những người không đất cũng khai phá rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng, suối để lấy đất bán. Theo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phú Quốc, ở thị trấn An Thới và hai xã Dương Tơ, Hàm Ninh đã từng xảy ra hiện tượng dân tự ý bao chiếm đất rừng, phân lô để bán…

Trước cơn sốt đất, cánh "cò", môi giới cũng mọc lên “như nấm” sau mưa. Nhiều người bỏ cả công ăn, việc làm trong đất liền để ra đảo làm cò, với hy vọng kiếm được khoản tiền chênh lệch vài tỷ đồng sau mỗi vụ môi giới thành công.

Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc cho biết, từ tháng 9/2017 đến nay, mỗi tháng tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bình quân mỗi ngày có trên 300 khách đến giao dịch. Lãnh đạo chính quyền địa phương thừa nhận việc sốt đất đang vượt tầm kiểm soát, giá cao hay thấp là do thỏa thuận giữa người mua và người bán. 

Không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, các địa phương này cũng là điểm dừng chân của hàng loạt chủ đầu tư lớn như Sungroup, Vingroup, FLC, MIK.... Theo VARs, tại Vân Đồn, hiện cũng có trên 10 dự án bất động sản quy mô lớn đã đăng ký đầu tư và một số đã chính thức triển khai xây dựng. Tại Phú Quốc con số cũng lên tới hàng trăm dự án với những quy mô khác nhau.  

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tại Vân Đồn, Vân Phong do chưa có sự đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nên giá trị đất đai thực sự chưa cao, giá tăng chủ yếu vì thông tin có thể trở thành đặc khu kinh tế. Đơn vị này cũng nhận định có tình trạng đầu cơ, môi giới bất động sản không chuyên tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành tham gia đẩy giá tạo sốt ảo.  

Trước tình trạng sốt đất ngày càng khó kiểm soát, gần đây Bộ Xây dựng đã ký công văn gửi tới 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang yêu cầu các địa phương kiểm soát tình hình giá đất nền tăng mạnh trong thời gian ngắn.

Trong cuộc họp diễn ra vài ngày trước, Thủ tướng cũng yêu cầu ba tỉnh cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường, bảo đảm trật tự xã hội, không để cò đất, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn. 

Sau quyết định thanh tra của Chính phủ, hoạt động mua bán đất ở các địa phương này có dấu hiệu giảm nhiệt, song một số ý kiến lo ngại về tình trạng sóng ngầm bởi giá vẫn neo ở mức cao.